Thursday, March 28, 2019


MÙA XUÂN KHÔNG TRỞ LẠI

Nhân cứ nhìn trộm người đàn ông phía bên kia kệ hàng của siêu thị. Ông ta không biết có người nhìn mình, vẫn thoải mái vừa đẩy xe đi chợ cho vợ, vừa nói chuyện với cậu bé khoảng  ba tuổi ngồi trên xe. Nhân nghe ra, đó là hai ông cháu. Bà vợ quay lại hỏi gì đó, ông trả lời: “em muốn sao cũng được” rồi lại tiếp tục đùa với cháu.
Ông ta không biết Nhân đang dõi theo, và Nhân cũng không hề nghĩ mình gặp ông ta ở đây, trong thành phố rộng lớn này, trên đất nước bao la này, trong phiên chợ gần Tết này.  Nhưng Nhân đoan chắc ông ta chính là Thành của Nhân hơn bốn mươi năm về trước, dù bây giờ cả hai tóc đã điểm sương, tàn phai theo năm tháng. Nhất định ông ta chính là Thành. Lúc đầu Nhân ngờ ngợ khi đi ngược chiều và khi nghe bà vợ gọi tên ông, Nhân đã quay lại theo dõi để biết đó chính là Thành. Dù đã hơn bốn mươi năm, Nhân tin rằng cảm giác không đánh lừa mình. Nhân đã tự chế rất nhiều để không đến chào và hỏi phải ông ta là Thành không, chỉ âm thầm dõi theo, khi thì sau lưng, khi thì trên dãy hàng kế bên. Nhân cũng không biết tại sao mình lại làm như vậy, có gì tội lỗi hay xấu xa khi đến nhận người quen đâu? Và Nhân cũng không biết mình dõi theo ông ta để làm gì. Có gì khác nhau khi ông ta chính là Thành hay không phải là Thành? Ông ta có cuộc sống có vẻ như êm ả, hạnh phúc, và Nhân cũng đang có cuộc sống riêng của mình. Cho dù đó là Thành thì Nhân sẽ làm gì? Cảm giác như đông cứng, thui chột làm Nhân không tự chủ được suy nghĩ của mình. Chỉ biết người đàn ông đó như một thỏi nam châm, và Nhân chỉ là một thanh sắt nằm trong hấp lực, như ngày xưa Nhân cũng nằm trong hấp lực của Thành.

***
Thủa đó, cả hai cùng trong lứa tuổi mười tám, cùng học lớp đệ nhất của trường Trung học tỉnh. Nhân là một cô gái hiền lành, nhút nhát, lúc nào cũng ráng thu nhỏ trong đám đông, Thành lại là người rộn ràng, năng động. Việc gì trong lớp cũng có mặt của Thành. Nhân chỉ mới vào học ở trường từ năm đệ tam, kể từ khi gia đình nghe theo dì Ánh chuyển về tỉnh. Dì dạy ở trường tiểu học, đưa mẹ con Nhân và bà Ngoại từ quê về tỉnh để Nhân có cơ hội học tiếp bậc trung học. Trong lớp Nhân chỉ chơi thân với chị Trang và nhỏ Lan. Lan láu táu, có người yêu là Hùng, bạn của Thành, chị Trang lại ở cùng phố với Thành, chỉ cách nhà Thành có hai căn. Mấy chị em họp nhau thành một nhóm học tập từ năm ngoái. Thành giỏi Toán nên những lúc nhóm học chung môn toán, chị Trang thường nhờ Thành sang giúp. Môn này Nhân không khá, nhờ những lần học nhóm, Nhân thấy tự tin hơn và kỳ thi tú tài một năm đó Nhân vượt qua môn toán không mấy chật vật. Năm nay lên đệ nhất, môn toán khó hơn hẳn, Thành gần như có mặt thường xuyên khi nhóm Nhân học toán. Nhân lại giỏi Pháp văn, Thành lại kém môn này. Lâu dần, Thành gần như kèm cho Nhân môn toán và Nhân kèm lại cho Thành môn Pháp văn và một tuần hai buổi tối Thành qua nhà Nhân. Lần nào cũng vậy, Nhân làm một ly nước chanh thật ngon dành cho Thành. Tình cảm giửa Nhân và Thành nẩy nở một cách tự nhiên. Tuy vậy, không ai nói với ai lời nào, và cả hai cũng không bao giờ hẹn nhau ngoài giờ học.  Dì Ánh là người cởi mở, thấy vậy hay vậy, không cấm đoán mà cũng không khuyến khích.  Má Nhân thích Thành, má nói Thành nghèo nhưng có ý chí, lễ phép và không tính toán.  Khi Thành đến nhà Nhân học, dì Ánh, má và bà ngoại đều lánh mặt, nhường phòng khách cho hai đứa học tập. Phòng khách nhà Nhân đơn giản, chỉ có vài ghế mây lớn dùng làm như salon. Bàn học của Nhân trong một góc, bên cạnh bàn thờ gia đình, có di ảnh của ông ngoại và ba Nhân. Có lần, Thành hỏi về ba Nhân, nàng thú thật là không biết gì nhiều, chỉ khi đến tuổi hiểu biết thì má và bà ngoại chỉ tấm hình đã ố vàng của một người còn dáng dấp thanh niên trên bàn thờ và bảo đó là ba Nhân, ông mất khi nàng còn quá nhỏ. Nhân chưa bao giờ đến nhà Thành, dù chỉ cách nhà chị Trang có hai căn, nàng không tìm được lý do gì để đến nhà Thành.
Kỳ thi tú tài hai cuối năm được tổ chức ở Nha Trang, học sinh các tỉnh từ Phan Thiết đến Phú Yên đều tụ về Nha Trang. Bọn Nhân phải khăn gói ra thành phố biển. Kỳ thi chia làm ba đợt, đợt một của ban B gồm các môn chính: triết, toán, lý hóa và sinh ngữ chính, đợt hai gồm các môn phụ: vạn vật, công dân, sinh ngữ phụ, thí sinh nào đủ điểm đợt một sẽ vào vấn đáp hai môn sinh ngữ và được chấm tiếp các môn phụ của đợt hai.  Trong lúc chờ kết quả đợt một, chị Trang rủ cả bọn đi chơi ở hòn Chồng, ghé Tháp Bà xin xâm. Chị biết tâm sự của Nhân nên cố tạo điều kiện để Thành và Nhân có dịp nói chuyện riêng lẻ với nhau. Tuy vậy, Thành năng nổ bao nhiêu trong công việc, lại cù lần bấy nhiêu về chuyện tình cảm. Trước sau, Nhân chỉ nhận được một tình bạn thân thiết. Nàng chờ đợi một lời tỏ tình dù bóng gió; một đụng chạm thân mật dù bất ngờ; một ánh mắt ngọt ngào dù vô tình. Nhân biết rằng tình cảm của mình dành cho Thành rất đặc biệt, mừng rỡ xôn xao khi gần nhau, mong chờ nhớ nhung khi xa cách, dù cả hai học chung lớp, chung trường, gặp nhau hàng ngày. Nhân không chối đó là tình yêu đầu đời của nàng dành cho Thành.  Nhân cũng nhận thấy Thành đối xử với mình có khác với những bạn khác phái khác, dịu dàng hơn, chiều chuộng hơn và nàng nghĩ rằng đó là tình yêu mà Thành dành cho mình.
Năm đó, Nhân rớt, Thành đậu tú tài hai, sửa soạn đi Sài Gòn học tiếp đại học. Hôm Thành qua nhà giã từ, Nhân không nói được lời gì, chỉ ngồi buồn hiu cắn chéo áo gối nhỏ ôm trong lòng ngăn những giọt nước mắt chực trào. Thành nói chuyện với má và dì Ánh, chỉ thỉnh thoảng nhìn Nhân thật nhanh. 

Khoảng thời gian Thành học ở Sài Gòn, Nhân sống trong nhớ nhung và kỷ niệm, hình ảnh Thành lúc nào cũng quanh quẩn. Nhân biết là mình đã yêu Thành mặc dù cả nàng và Thành chưa một lần trao đổi những hẹn ước. Kỷ vật duy nhất của Thành mà nàng còn giữ được là nét chữ của Thành bên lề và bên dưới mấy bài toán đại số của Nhân làm sai, dạo hai đứa còn học chung. Nhân giữ nó như một bảo vật. Năm sau Nhân thi lại Tú tài hai, nhưng cũng không qua khỏi. Dì Ánh khuyên, thôi thì góp đơn thi vào Sư Phạm cấp tốc. Dì Ánh dạy học lâu năm, quen biết nhiều, nên khi Nhân ra trường dì xin cho Nhân một chỗ ở ngay tỉnh lỵ, không phải đi xa. Nhân an phận với cuộc sống mới, sinh hoạt đều đặn của một cô giáo tiểu học.

Tết đầu tiên, Thành về quê ăn Tết, hai đứa lại gặp nhau, Nhân lính quýnh mừng ứa nước mắt. Thành mua tặng cho nàng cuốn tuyển tập truyện ngắn của Lê Tất Điều, trang đầu Thành viết “Để Nhân đọc những lúc một mình”. Thành kể về cuộc sống mới của sinh viên, đời sống và sinh hoạt ở đại học. Nhân chỉ ngồi nghe, cảm thấy ấm áp trong lòng, vui buồn theo nỗi vui buồn của cuộc sống mới của Thành ở Sài Gòn… Từ đó, mỗi năm hai lần, hè và Tết, Nhân gặp lại Thành, dõi theo cuộc sống tự lập đầy khó khăn của một sinh viên nghèo ở nơi đô hội. Nhân mong chờ hè và Tết như trẻ con; đó là dịp mà Nhân có thể gặp lại Thành, nghe Thành kể chuyện, những chuyện rất tầm thường trong cuộc sống, nhưng luôn có ý nghĩa đối với Nhân. Lòng nàng rộng mở, hồi hộp chờ đón Thành. Với Nhân, sự hiện diện của Thành  như mùa xuân đến với hoa cỏ, mỗi năm mùa xuân đến với Nhân hai lần, mùa xuân rực rỡ, mùa xuân đầy nắng ấm, hạnh phúc.

Đôi lần, Thành cũng hỏi Nhân về việc làm của nàng, và Nhân cũng chỉ nói được chừng dăm ba câu là hết chuyện. Nhân không có khiếu nói chuyện, vả lại nàng muốn nghe Thành kể chuyện hơn là nói về mình. Mỗi lần gặp nhau là Nhân lại háo hức nghe Thành kể chuyện Sài Gòn. Chuyện gì Thành kể, Nhân đều thấy hấp dẫn, từ chuyện sinh viên bãi khóa, biểu tình, ăn lựu đạn cay, đến chuyện Thành dạy kèm, bỏ báo để sống tự lập ở Sài Gòn. Chuyện về cuộc sống xô bồ hay khắc khổ của sinh viên trong đại học xá Minh Mạng, chuyện của mấy người bạn của Thành… Nàng háo hức nghe chuyện, tưởng chừng như mình cũng đang cùng Thành sống, sinh hoạt trong cái không khí ồn ào, hổn tạp đó.

Có lần Thành nói:

- Đại học xá như một lò luyện thép, nó có thể giúp cho sinh viên này trở thành cứng cáp, vững mạnh cho cuộc sống sau này thì nó cũng có thể làm cho kẻ khác biến chất, trụy lạc, thậm chí đi vào con đường tội lỗi. Đó là nơi có thể biến sinh viên thành con người thép hay ác quỷ!

- Thế Thành thuộc loại nào?

- Tôi hả? chưa đến nỗi trụy lạc, biến chất… nhưng cũng khó trở thành siêu nhân.

Nhân thầm mong Thành chỉ là Thành như ngày nào. Nàng mong ước cuộc sống mới không làm Thành hư hỏng, mà cũng không hề muốn chàng trở thành những người vĩ đại trong cái lò luyện thép đó, Nhân rất sợ mất Thành.

Cũng có lần Nhân hỏi Thành về mấy cô bạn gái ở Sài Gòn, Thành chỉ cười trả lời:

- Một thân lo còn chưa xong, đèo bòng chi cho mệt. Bạn thì có, nhưng tôi không yêu được ai. Con gái ở Sài Gòn khó chiều chuộng, không giống như mấy cô ở tỉnh.

Nhân cho đó là lời nhắn gửi đầy ẩn tình của Thành. Dù biết đó không phải là những lời bày tỏ cảm tình trực tiếp, nhưng Nhân như cảm nhận những ngọt ngào của tình cảm Thành dành cho nàng. Nhân sống trong sung sướng, lòng rộn ràng niềm vui.

Những dịp Thành về thăm nhà, chị Trang hay tổ chức gặp mặt, khi thì tại nhà, khi trên đất vườn nhà chị trên Phú Long. Lần nào chị cũng tạo cơ hội để Nhân săn sóc Thành. Nhân thầm cám ơn chị Trang đã tế nhị tạo những tình cảm gắn bó giữa nàng và Thành, và Nhân sung sướng, hạnh phúc trong những lần gần gủi hiếm hoi ấy. Một lần ngồi bên lò than hồng trong giá lạnh cuối năm đổ bánh căn cho Thành, lò than nóng ấm làm má Nhân hồng lên, trong lúc bất chợt, Thành nhìn nàng, buột miệng nói:

- Nhân đẹp quá, có cần gì phấn son! Tự nhiên vẫn là cái đẹp không phải dễ tìm.

Nhân e thẹn cười sung sướng và cảm thấy hạnh phúc trong tưởng tượng đó là lời tỏ tình của Thành.

***

Thế rồi, Nhân thấy đất trời như đổ sụp khi nhận được thiệp báo tin hôn lễ của Thành. Cô dâu của Thành hoàn toàn xa lạ và không hề nghe Thành nói tới.  Từ trước, Nhân nghĩ đơn giản là tình cảm của nàng chỉ dành riêng cho Thành và nàng cũng nghĩ, tình cảm của Thành là chỉ cho nàng mà thôi, dù chưa bao giờ Thành nói lời tỏ tình.  Tình cờ, chị Trang ghé thăm cứu được Nhân sau khi Nhân nuốt trọn ống thuốc ngủ. Ngồi cạnh Nhân sau khi ở nhà thương về, chị Trang nói:

- Việc gì em phải làm vậy? Thành không xứng đáng với tình cảm của em rồi. Mà có bao giờ Thành nói yêu em chưa?

Nhân đau khổ lắc đầu, quả thật, bao tình cảm của Nhân chỉ là đơn phương, tình cảm của Thành mà nàng cho là tình yêu chỉ là những gì do nàng suy đoán. Nhưng sao bao lâu nay Nhân cũng không nói ra tình yêu của nàng với Thành.  Mà làm sao nàng mở miệng bày tỏ trước tình yêu của mình được chớ. Đáng lẽ Thành phải nhận ra tình cảm của nàng và nói trước mới phải.

Hai mươi bốn tuổi, Nhân thấy mình mất hẳn Thành rồi. Bao háo hức đợi chờ bỗng tan thành mây khói, Nhân hụt hẫng, chới với. Mùa xuân của Nhân ra đi và có lẽ không bao giờ trở lại…

Cuối cùng, Nhân nhận lời lấy Bảo, cũng là bạn cùng lớp ngày xưa, bây giờ là sĩ quan nhảy dù. Bảo biết tình cảm của Nhân đối với Thành trước kia, nên dù thích Nhân, Bảo không mở miệng…Nhân cố xóa đi hình ảnh của Thành trong tâm tư, sống trọn đạo với Bảo.

Tháng Tư Bảy Mươi Lăm, Nhân mất tin tức của chồng, sau khi sanh bé Nghi được hơn một tháng. Tin cuối cùng là đơn vị của Bảo rút khỏi Quảng Trị từ hai tháng trước…

Rồi ba Nhân trở về, ông không chết như má Nhân đã nói mà ông đã tập kết ra Bắc từ năm Năm Tư. Má Nhân biết và bàn thờ ba Nhân trong nhà chỉ để che mắt và tránh bị quấy rầy. Hai tháng trước khi ông về thăm, công an đến nhà gần như mỗi ngày để điều tra mọi người, mọi thứ. Họ muốn biết chắc gia đình của Nhân an toàn cho ba Nhân, họ muốn biết chắc là má Nhân không có chồng khác khi ông vắng mặt. Bây giờ ông là Thành Ủy của Thành phố Hồ Chí Minh, bây giờ ông trở về trong quyền và chức.  Tuy vậy, ông chỉ về thăm để biết. Sau bao năm không hy vọng gặp lại gia đình, ở ngoài đó ông đã thành hôn và có ba con. Vợ ông cũng là nhân viên cao cấp trong ngành công an, cũng sắp vào công tác ở thành phố.  Má Nhân không nói gì như bao năm bà đã im lặng chờ đợi.  Bà chỉ hỏi xin ông tìm thử trong các trại cải tạo tin tức của Bảo, chồng của Nhân.  Ông không hứa và chỉ lập lờ nói: “Nếu nó chưa chết và còn học tập đâu đó thì sau khi học tập tốt, nó sẽ về thôi…”  Sau lần đó, ông không về thăm má Nhân nữa vì công tác. Tuy nhiên ông có nói, nếu Nhân muốn, ông sẽ đưa mẹ con Nhân về thành phố và giới thiệu cho Nhân đi dạy lại. Nhân từ chối vì thấy cách đối xử của ông đối với má Nhân không xứng với tình cảm của bà đối với ông. Ngày ông tập kết má Nhân chỉ hơn hai mươi, bà đã âm thầm che dấu, chịu đựng mọi khổ cực, nhục nhằn để nuôi con. Bà không hề nghĩ đến việc bước thêm bước nữa dù không hề biết tin tức gì, và cũng không có chút hy vọng gì về việc gặp lại chồng. Ấy vậy mà ông trở về với một gia đình khác, một tổ ấm khác. Ông cũng chưa bao giờ  đưa vợ con ông thăm viếng gia đình Nhân như một xã giao tối thiểu, có thể vợ sau của ông không biết má Nhân còn sống, cũng có thể bà ta không biết ông đã từng có gia đình. Nhân cho đó là một bất công.

Cuối cùng, Nhân cũng được tin Bảo, tin duy nhất về Bảo kể từ tháng Tư Bảy Mươi Lăm. Bảo chết trong trại cải tạo ở Hàm Tân. Nhân không mang được xác chồng về vì trại không xác nhận có tên của Bảo trong số cải tạo viên của họ.  Nhưng Nhân đã nhận được thư của chồng từ trại Hàm Tân, do bạn của Bảo gửi về qua thân nhân nhờ chuyển lại, sau khi Bảo chết.  Căn nhà bây giờ quá rộng vì chỉ còn dì Ánh và mẹ con Nhân. Má và bà ngoại đã lần lượt ra đi. Cuộc sống ngày càng khó khăn dù cả Nhân và dì Ánh đều là công nhân viên nhà nước.

Dì Ánh móc nối vượt biên, nhưng dì không đến được bờ bến tự do. Dì lâm bệnh bất ngờ khi ghe vượt biên xuất bến. Tuy vậy dì vẫn cương quyết xuống ghe, dù Nhân hết nước mắt năn nỉ dì dời sang chuyến khác. Nhân đành phải thủy táng dì trên đường đi.

Nhân lên đảo cô đơn và không định hướng với con gái chỉ mới lên năm.  Nhờ giấy tờ của Bảo, Nhân được bảo trợ và định cư sớm ở Seattle. Nhân làm đủ mọi nghề để sống âm thầm và nuôi con, không màng gì đến những phương tiện vật chất thừa mứa. Rồi bé Nghi cũng học xong đại học, kiếm được việc làm ở Houston. Nhân theo con về Houston, nàng chỉ còn Nghi là người thân duy nhất.

***

Nay tình cờ gặp lại người đàn ông mà Nhân nghĩ là Thành trong siêu thị hôm ấy. Ông ta bây giờ hói đầu, tóc đã hoa râm, nhưng vẫn còn những nét của Thành ngày xưa, nhất là giọng nói, giọng nói đầy nhiệt tình của Thành khi chàng kể chuyện ngày nào, giọng nói đã cuốn hút, làm mê đắm tâm hồn Nhân, giọng nói với những âm sắc Nhân không bao giờ quên được.

Nhưng nếu đó không phải là Thành, chỉ là người giống người? Linh cảm của Nhân chống lại ý tưởng này. Cảm giác của Nhân khi bất chợt gặp ông ta giống như bị điện giật, sững sờ và tê cứng trong vài giây khi ánh mắt chạm nhau. Rồi Nhân như bị cuốn hút trong từ trường của ông ấy, không rời được, cho đến khi Nhân mất dấu ông ta trong bãi đậu xe.

Nhưng nếu ông ta chính là Thành, Nhân sẽ làm được gì. Xem chừng ông ta hạnh phúc quá. Sống bên cạnh người vợ - mà Nhân nghĩ là người ấy từ dạo đó - cũng có vẽ hiền lành và yêu chồng.  Không biết Thành đã có mấy con, mấy cháu. Trông cách ông ta nói chuyện với đứa cháu ngồi trên xe đẩy hàng cho vợ, sao mà đầm ấm và hạnh phúc như vậy. Nhân không biết trong khoảng thời gian xa nhau ấy, có bao nhiêu lần Thành nhớ đến Nhân, về người con gái đã thầm trao tim mình cho một kẻ vô tình, đã đánh mất mùa xuân của đời mình.

Nhân tần ngần trong gió lạnh của những ngày giáp Tết nơi xứ người. Mùa xuân của đất trời đang trở lại theo nhịp tuần hoàn của vũ trụ nhưng mùa xuân trong Nhân một lần đi, đi mãi, không trở lại.

Houston - 10/2008
(Phụ Nữ Diễn Đàn 300, thảng 3/2009)

Tuesday, January 15, 2019


Đối Diện



1

Tân ngồi đối diện với viên sĩ quan mang quân hàm đại úy của quân đội nhân dân, anh lơ đãng nhìn khuôn mặt khắc khổ của cán bộ trước mặt, đang chăm chú đọc mấy tờ giấy vở học trò mà lướt mắt nhìn qua anh biết là tờ khai lý lịch của anh, tay áo trái được giắt vào thắt lưng vì tay trái anh ta cụt mất từ vai. Từ những ngày đầu tiên vào trại, tất cả trại viên phải miệt mài viết bản tự khai về lý lịch, viết đi viết lại… lần nào cán bộ cũng bảo là chưa thành thật khai báo, chưa kê khai hết tội lỗi của mình, chưa thành thật hối cải, chưa thành khẩn khai báo, v.v… và v.v… Mãi về sau, Tân mới biết đó là thủ thuật của cán bộ, họ xem bản sau và bản trước có điểm nào khác nhau không, mong tìm thêm được chút gì “mới”, cũng là cách giữ tù nhân không có thì giờ nhàn rỗi suy tính chuyện gì khác. May mà lý lịch của anh khá đơn giản: cha mất sớm, má ở vậy nuôi con, tới tuổi bị động viên, học khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức, ra đơn vị leo dần đến cấp bậc trung úy, giữ một vị trí có tính chiến lược, bị thương, được về tiểu khu … cho đến ngày bị bắt buộc phải buông súng và sau đó, trình diện học tập. Tân cũng có gia đình, vợ là giáo viên tiểu học, lương chỉ đủ sống hết sức tiện tặn một tuần, phải bán buôn chèo chống kiếm thêm tiền nuôi chồng cải tạo và hai đứa con mọn. Người chị ruột cũng còn sống nơi làng quê ngày xưa trong căn nhà cũ của gia đình còn lại sau khi cha mất. Tân cũng có một người anh ruột kế Tân, đi bưng từ lúc mới mười lăm tuổi. Tạo, anh của Tân trốn luôn theo cách mạng nhân một lúc về thăm nhà, sau khi cha mất ít lâu. Lúc đó Tạo và Tân đang học trung học ở trên tỉnh lỵ, sống nhờ vào người chị bà con. Tạo về quê thăm nhà, lấy thêm vật dụng và tiền bạc… nhưng rồi đi luôn, không trở lại, Tân và anh mất liên lạc nhau từ lúc đó.


Năm một chín bảy mươi hai, Tân là trung úy đại đội trưởng đồn trú đặc khu Long Toàn. Long Toàn nằm cách chi khu Long Khánh (Vĩnh Bình), chi khu Trường Long Hòa và cửa biển Ba Động không xa, và là những chốt an toàn cho tỉnh Vĩnh Bình vì cả Long Khánh, Long Toàn lẫn Trường Long Hòa tạo thành một vành đai đối diện với Cồn Cù và Láng Cháo bấy lâu nay được coi là vùng của Việt Cộng. Thỉnh thoảng bộ binh của Sư Đoàn hay Biệt Động quân cũng tung quân sục tìm, nhưng sau chiến dịch là rút về, lực lượng địa phương quân của miền Nam ở vùng này mỏng và đôi khi chỉ là những người của Việt Cộng hay có bà con theo phía bên kia, đứng ra làm lá chắn và kịp thời thông báo cho bộ đội hay du kích biết trước các cuộc hành quân của phía quốc gia. Đã có nhiều lần lực lượng càn quét đánh vào chỗ trống, chỉ có đàn bà, trẻ con và ông bà lão, thanh niên trong các xã ấp này không có ai.

Việt Cộng im tiếng ít lâu sau chiến dịch Mậu Thân, nay lại rục rịch bắt đầu. Đã có những cuộc chạm súng cấp đại đội và những tin tức tình báo cho thấy đã có mặt của quân chính qui Bắc Việt. Láng Cháo là một xã ở một cửa sông Hậu, một phần giáp biển, dân cư thưa thớt coi như ngăn cách với các xã ấp trù phú hơn phía trong bằng rừng cây mấm, cây giá và chà là, khi thủy triều lên là cả một vùng bao la nước ngập đến đầu gối, nên trở thành nơi lý tưởng để nhận vũ khí, đạn dược tiếp tế từ ngoài Bắc. Miền Nam không đủ quân để giữ một vùng dân cư thưa thớt và hoang vu như vậy, nên các chi khu Long Vĩnh, Long Khánh, Long Toàn và Trường Long Hòa trở thành một vòng đai bảo vệ an ninh cho những vùng đông dân hơn ở phía trong. Hai chi khu Long Khánh và Trường Long Hòa có hai khẩu đội 105 ly, nhằm yểm trợ pháo binh cho toàn vùng.

Tân bị điều về đó khá lâu. Long Toàn tuy vậy mà an ninh có khá hơn các chốt chiến lược kế cận, nhờ dân cư đông hơn và tương đối sầm uất hơn, nhưng cũng vì thế nên khó kiểm soát và bảo vệ cho dân chúng hơn. Khu Long Vĩnh, Long Khánh chẳng hạn, trời chạng vạng tối là lính rút hết vào mấy lượt vòng rào, trừ mấy chốt chặn an ninh bên ngoài. Cấp số của chi khu Long Toàn là đại đội nhưng quân số không quá trăm người. Mỗi đêm Tân tung hai tiểu đội ra ngoài làm thành vòng đai quanh khu vực. Từ lâu hoạt động của địch chỉ là những quấy rối nhỏ, men về vùng ven, thu thuế, rải truyền đơn tuyên truyền… không có một đụng độ lớn nào quan trọng cho đến tháng trước, tiểu đội do trung sĩ nhất Thạch Lên nằm chốt đụng phải một đơn vị không rõ quân số của địch. Sau hơn hai mươi phút, địch rút, bỏ lại trận hai xác chết. Tài liệu thu được cho thấy chúng thuộc một tiểu đoàn chính qui Bắc Việt. Phân tích tình báo trên tiểu khu gửi xuống cũng cho thấy địch đang gom quân mong đánh thủng vòng đai an toàn để có thể thọc sâu hơn vào bên trong, nhưng tài liệu không cho thấy địch sẽ tập kích ở chỗ nào. Cũng cách nay không lâu, lực lượng giang đoàn trong lúc tuần tiểu trên sông Hậu, dọc Cù Lao Dung đã chận bắt được một ghe chài chở vũ khí, đạn được đủ cung cấp cho cả một đại đội, gồm cả AK lẫn súng cối và B40. Những tin tức đó cho thấy sắp có những biến động mới trong vùng.

Tân cho rà lại những tọa độ chấm trước quanh đặc khu, phòng khi bị tấn công, các khẩu đội từ Long Khánh và Trường Long Hòa có thể yểm trợ hữu hiệu và nhanh chóng. Vòng rào kẽm gai quanh chi khu cũng được nới xa thêm mười mét. Công sự phòng thủ cũng được củng cố thêm.


2

Đêm xuống cùng với cái oi bức mùa hè, muỗi bay từng đàn như vãi trấu, cùng với tiếng xè xè, rọt rẹt của máy truyền tin. Hạ sĩ Lập đang liên lạc với hai tiểu đội chốt bên ngoài, tình hình vẫn yên tĩnh như mọi ngày… chương trình ca nhạc của đài phát thanh Cần Thơ đã chấm dứt, Tân vén tay áo xem giờ, đã gần mười giờ mà không gian yên ắng như là khuya lắm, đài đang phát chương trình tin tức và bình luận cuối ngày, vài tiếng chó sủa ma, Tân vói tay tắt radio và chui vào mùng dỗ giấc…

Tiểu đội của trung sĩ nhất Hàn chốt ở phía cầu Long Toàn lên máy báo tình hình, chỗ này tiếp giáp với địa phận trách nhiệm của chi khu Long Khánh. Cầu đã bị phá hủy từ lâu, thay vào đó là một bến đò nối liền con lộ từ Long Toàn qua Long Khánh và ngược lại, hai bên chịu trách nhiệm an ninh ở hai đầu cầu. Tiếng binh nhất truyền tin liên tục trên máy:

- Đống Đa, Đống Đa, đây Chí Linh.

Tân chồm dậy, hạ sĩ Lập vẫn ngồi cạnh máy truyền tin.

- Đống Đa nghe, tiếng hạ sĩ Lập

- Phía thằng Lê Lai đang đụng, Chí Linh vẫn chưa thấy gì – Lê Lai là danh hiệu của chi khu Long Khánh.

Tân nói nhanh vào ống liên hợp:

- Chí Linh coi chừng mấy thằng con…

Tân chưa dứt lời thì một trái pháo rơi vào ngay cổng đặc khu, cả hai vùng dậy, chạy vội về phía công sự. Súng các loại bắt đầu nổ. Đêm tối như mực. Thêm một trái pháo rơi sâu hơn vào bên trong, địch đang điều chỉnh tác xạ. Tân lên máy liên lạc về tiểu khu và xin pháo sáng. Anh cũng báo cho hai tiểu đội bên ngoài biết đặc khu đang bị tấn công và lệnh cho hai tiểu đội giữ vững vị trí, chờ lệnh… Một trái B 40 bắn thẳng vào công sự phòng thủ của trung đội hai đang phòng thủ đặc khu, phá một lỗ thủng trên hàng kẽm gai và bờ tường, tiếng AK, M16 đáp trả nhau giòn giả. Cối 81 ly của địch nổ hàng loạt, một trái rơi gần cột cờ đặc khu… B 40 lại phá bung thêm một lỗ trên hàng rào gai phòng thủ. Một trái pháo sáng nổ bụp trên không, ánh sáng vàng vọt của hỏa châu soi lúc tỏ lúc mờ khung cảnh bên ngoài, vài bóng người vụt ẩn vụt hiện bên ngoài vòng rào… khẩu đại liên bên công sự góc trái của chi khu vẫn đều đều nhả đạn vào bất cứ chuyển động nào ở bên ngoài.

Như vậy là địch tấn công cùng một lúc Long Khánh và Long Toàn, nghe tiếng súng giòn giả và liên tục, anh nghĩ là quân số của địch phải lên đến cấp đại đội hay tiểu đoàn. Máy truyền tin lại thông báo định bắt đầu xung phong vào vòng rào an ninh của Long Khánh sau một trận mưa pháo. Thiếu Úy Định đại đội phó bên chi khu Long Khánh đã bị thương nặng, sau khi ra lệnh hạ nòng khẩu 105 ly, sẵn sàng trực xạ, còn trung úy Sơn đã tử trận sau trận pháo đầu tiên, bây giờ bên Long Khánh chỉ còn hai sĩ quan trung đội trưởng mà một là chuẩn úy mới đến đơn vị hơn tháng nay cầm cự với lực lượng đông đảo hơn gấp bội của địch. Tân đoán chừng địch cũng sắp xung phong vào đặc khu của mình. Quả không sai, sau một trận pháo đủ loại vào các công sự, máy phát điện trong đặc khu bị pháo trúng, bóng tối phủ trùm… địch bắt đầu ôm bộc pha tràn lên, qua ánh sáng của mấy ngọn hỏa châu, những thân người cứ từng đợt, từng đợt chồm lên, ngã gục trước hai khẩu đại liên đặt ở hai cánh của chi khu. Vài trái mìn phòng thủ và lựu đạn gài quanh đặc khu cũng đã nổ ghìm bớt sức tấn công của địch. Tuy vậy Việt cộng cũng đã lập được một đầu cầu gần bên công sự của khẩu đại liên bên trái. Tân ra lệnh khẩu đội bỏ vị trí, lui sâu vào trong cạnh bộ chỉ huy. Tiếng máy PRC báo:

- Đống Đa, Đống Đa, đây Chí Linh 1, tụi nó đông quá, chờ lệnh Đống Đa…

Tân nghe mấy tràng súng chát chúa qua máy, anh gọi lớn:

- Chí Linh, đây Đống Đa – Chí Linh, đây Đống Đa…

Không có tiếng trả lời, chỉ còn tiếng rè rè liên tục của máy truyền tin, Tân không còn liên lạc được với Hàn và tiểu đội của anh nữa…

Trận chiến không cân sức giữa hai trung đội còn đồn trú trong đặc khu với một lực lượng quá hùng hậu của Việt cộng. Tân đã cho gọi pháo yểm trợ bắn chận, từng đợt pháo rơi chính xác vào các tọa độ chấm trước, nhưng với chiến thuật thí quân, địch cũng đã vượt qua vòng rào cuối cùng, sau khi hy sinh một số cho hai quả mìn claymore. Địch sắp tràn vào đặc khu, anh đã yêu cầu tiểu khu xin phi cơ thả bom lên sát hàng rào cuối cùng của đặc khu, mong làm chùn bước địch quân. Sau hơn một giờ cầm cự, hơn một nửa lực lượng đồn trú lớp chết lớp bị thương, không còn khả năng chiến đấu. Cuối cùng tiểu khu ra lệnh cho Tân bằng mọi cách phải bỏ vị trí, đưa thương binh ra ngoài.

Tân lệnh cho hai khẩu đại liên bắn rát tạo lưới lửa để tản thương binh, xạ thủ bắn cho đến giây đạn cuối cùng rồi bỏ súng...
Khi Tân rút được ra ngoài, bên cạnh anh chỉ còn gần hai mươi binh sĩ thương tích cùng mình, bản thân anh cũng phải được dìu bởi hai binh sĩ khác vì một mảnh pháo ở bắp vế phải và một mảnh khác bên hông, máu nhuộm đỏ ướt lần băng cá nhân. Hai chiếc skyraider đang quần thảo trên không, rải đều lưới đạn lên đặc khu, cuối cùng hai quả bom được thả ngay trên khu vực, toàn bộ đặc khu trở thành bình địa.


3


Đó cũng là trận mà Tạo là chính ủy của lực lượng tấn công. Trên đã cung cấp cho anh hai tiểu đoàn, gồm cả bộ đội chính qui và du kích. Lực lượng tấn công Long Khánh gồm hai đại đội. Điểm chính mà trên muốn thanh toán là đặc khu Long Toàn, anh đã dùng hơn một tiểu đoàn, cộng với một tiểu đội cối tăng viện. Lúc màn đêm buông xuống, phủ một màu đen đồng lõa, viên tiểu đoàn trưởng báo cáo các cánh tấn công đã vào các vị trí, chỉ còn chờ lệnh của chính ủy. Anh cùng ba Qui, tiểu đoàn trưởng, duyệt soát lại mọi chi tiết đã hoạch định. Mọi việc đều khớp với kế hoạch ban đầu, các cánh quân đã được ém kỹ, chỉ còn chờ phía lực lượng chịu trách nhiệm bên chi khu Long Khánh nổ súng, mở màn cho mặt trận nghi binh. Vài tiếng chó xa xa. Cơn gió chướng không xua được không khí oi bức và đàn muỗi đói bu quanh hơi người. Mười giờ mười lăm, tiếng cối và đạn đủ loại vọng về từ phía chi khu Long Khánh. Mười lăm phút sau, Tạo ra lệnh cho cối pháo tới tấp vào đặc khu Long Toàn, ánh đèn pha trên lô-cốt cạnh cổng chính tắt phụt, chỉ còn những làn đạn lửa đan chéo nhau. Súng các loại nổ rền điểm thêm những tiếng cối... Ba Qui lợi dụng bóng đêm, ra lệnh xung phong, tiếng kèn thúc những thân người chồm dậy, ôm súng xông tới; hai khẩu đại liên từ hai góc của đặc khu nhả đạn tới tấp, tạo thành lưới lửa, ghìm bộ đội xuống đất.

- Bộc pha, toán bộc pha đâu, Tạo gầm lên át tiếng súng.

Tạo ra lệnh cho đặc công ôm bộc pha phá lổ hổng cạnh ụ đại liên trong đặc khu, làm đầu cầu cho toán xung kích. Bộc pha làm thủng một lỗ lớn trên hàng kẽm gai, kèn xung phong lại nổi lên, từng toán người lại ôm súng tràn lên, tràn lên, một quả B40 nổ ngay trước ụ đại liên, súng phóng lựu M79 tới tấp từ trong đồn đáp trả, những thân người gục xuống, có xác nằm vắt qua kẽm gai. Ngoài kia hàng người vẫn nhào lên như những con thiêu thân lao vào ánh lửa. Một quả mìn claymore nổ, soi rõ những thân người gục xuống, lớp khác lại chồm lên, đạp lên những xác người vắt vẻo trên hàng rào kẽm gai. Pháo binh yểm trợ từ Trường Long Hòa bắn phủ chụp trên trận địa, cứ co dần vào sát hàng rào cuối cùng của đặc khu…

***

Khi lực lượng tấn công tràn được vào đặc khu, các ổ kháng cự cuối cùng bị dập tắt, xác người nằm ngổn ngang, có người bị B40 thổi bay mất đầu, có người bị đạn xuyên qua cổ chết gục mà mắt vẫn mở trừng, có người chết banh xác vì cối, không khí khét đặc mùi thuốc súng và mùi máu. Không còn nghe tiếng M16 kháng cự của quân đồn trú, nhưng đồng thời Tạo cũng nghe tiếng rít xé gió của khu trục trên trời, Tạo hiểu ngay là quân đồn trú đã rút được hết ra ngoài, nhường trận địa cho phi pháo, anh liền ra lệnh bộ đội rút nhanh ra khỏi mục tiêu vừa chiếm được để tránh tổn thất, nhưng không kịp nữa rồi, pháo binh bắn cấp tập, đạn pháo nổ chụp ngay trên đầu, pháo sáng soi rõ mọi vật... Cuối cùng Tạo còn kịp nghe tiếng nổ đinh tai của quả bom từ chiếc khu trục rồi tất cả tối sầm.


4


Lúc Tạo tỉnh dậy, toàn thân ê ẩm, anh cựa mình cảm thấy đau nhói bên trái. Tạo mò mẫn trong bóng tối, khám phá dần anh bị băng bó toàn thân. Quanh anh là bóng tối dày đặc và không một tiếng người, chỉ có tiếng rì rầm của chiếc máy đuôi tôm ở trên cao, và tiếng óc ách của nước trong khoang ngay chỗ anh nằm, anh biết mình đang nằm dưới khoang của một chiếc ghe bầu… Anh khát nước kinh khủng, không có ai bên cạnh, chung quanh yên lặng chỉ trừ tiếng máy tàu đều đặn. Anh mò tay xuống dưới sạp nằm thấm nước đưa lên miệng liếm láp, nước lờ lợ và lẫn mùi dầu… Không biết giờ này đơn vị của anh ra sao, anh đang đi đâu? Chịu, chung quanh chỉ là một màn đen bưng kín mắt, không khí chung quanh nóng bức và ngột ngạt. Đói, khát, đau đớn và tiếng máy tàu đều đều lại đưa anh chìm vào cơn mê.

Lúc tỉnh dậy lần nữa, anh thấy mình nằm trên một chiếc sạp tre trong ánh sáng mờ mờ của chiếc đèn chong nhỏ soi sáng một không gian hẹp, chỉ vừa đủ cho chiếc sạp nằm và chiếc bàn gỗ tạp. Anh muốn cựa mình, nhưng toàn thân ê ẩm. Tạo cố nhớ lại trận đánh, lúc anh vừa nhận thức được quân trú phòng trong đặc khu rút hết ra ngoài và vừa nghe tiếng khu trục gầm thét trên bầu trời, anh hiểu ra là địch muốn phá thành bình địa đặc khu, tiêu diệt luôn đơn vị vừa chiếm đóng. Anh toan ra lệnh rút ra ngoài thì một quả bom rơi gần đó, tiếng nổ và sức ép, hất Tạo văng vào một góc công sự, rồi anh không còn biết gì nữa… Bây giờ thì Tạo hiểu anh đang bị thương và nằm ở đâu đó. Có tiếng bước chân và tiếng lịch kịch mở cửa, ánh sáng rõ dần, một người đàn bà cầm đèn và một tô cháo bước vào, Tạo cố cử động.

- Đồng chí tỉnh rồi à.

- Đây là đâu vậy?

- Nhà của cơ sở, đồng chí bị thương nặng, được đưa về đây đã năm hôm rồi. Đồng chí ăn chút cháo nhen, mấy ngày nay nằm mê man.

Anh hỏi tin tức về đơn vị của mình, người đàn bà không biết gì, chỉ cho biết anh bị thương rất nặng, cánh tay trái đã bị mảnh bom cắt mất, đồng đội đã băng bó mang về đây dưỡng thương.

Mất hơn một tháng nằm dưới hầm bí mật trong một căn nhà cơ sở, anh mới được liên lạc đưa về gặp Liên Khu. Tạo mới được biết lực lượng tấn công do anh chịu trách nhiệm gồm hơn tiểu đoàn chính qui và du kích, được tăng phái một tiểu đội cối và một tiểu đội đặc công, đã bị xóa sổ gần như hoàn toàn. Tiểu đội cối may mắn nằm ngoài để yểm trợ nên thoát khỏi trận mưa pháo và bom biến đặc khu Long Toàn thành bình địa. Tiểu đoàn trưởng Ba Qui chết tan xác trong trận phi pháo. Tạo may mắn bị hất văng vào góc công sự, mấy bao cát đổ chụp trên người… Khi du kích moi được anh ra thì Tạo đã bất tỉnh, cánh tay trái bị mảnh bom cắt lìa, họ phải xé áo Tạo, buộc chặt vào vết thương và thay nhau cõng anh thoát ra ngoài với chừng hơn chục bộ đội và du kích thương tích tả tơi. Gần như trọn bộ lực lượng tấn công đặc khu Long Toàn bị tiêu diệt. Trong thời gian dưỡng thương ở liên khu, anh phải viết đi viết lại báo cáo khuyết điểm của mình, không tiên liệu được lực lượng phòng thủ đã gọi phi pháo trút bom đạn lên đặc khu sau khi rút được ra ngoài, làm tiêu hao lực lượng nòng cốt của Mặt Trận. Anh thành khẩn nhận khuyết điểm và xin hạ tầng công tác.


5


Tháng Năm năm Bảy Lăm, anh cùng một nhóm cán bộ và bộ đội về tiếp thu tiểu khu Vĩnh Bình. Sổ sách giấy tờ của tiểu khu bị tiêu hủy gần hết khi địch tháo chạy, nhưng may mắn tài liệu của phòng hành quân phần lớn vẫn còn nhưng anh tìm mãi không thấy báo cáo về trận đánh vào đặc khu Long Toàn năm nào. Lòng cứ thấy ê chề về sự thất bại của mình, anh cố tìm mà không biết mình tìm gì…

Cho đến một ngày, anh về thăm nhà.

Má đã mất từ hồi tổng công kích Mậu Thân, không biết vì đạn của bên nào, sau khi bỏ nhà cửa mồ mả cha ông ở làng quê lánh về thị trấn sống tạm. Tạo chỉ gặp lại chị, chồng là trung sĩ sư đoàn 9, không ưa cán bộ Việt Cộng như Tạo nên giao tiếp giữa hai người đàn ông không mấy thân thiện, nhưng chị Thơ của Tạo thì mừng vô kể khi tìm gặp lại người em bao năm không tin tức. Chị kể mọi chuyện của gia đình, chuyện má trước khi chết còn cố nói với chị làm sao tìm cho được Tạo. Chị nói về hai anh em của Tạo đi lính cho hai bên, má cứ lo là có ngày hai thằng con của bà đối mặt nhau, bắn nhau.

Má không hiểu gì hết. Má không hiểu tại sao cứ đánh nhau liên miên, đánh nhau từ hồi bà còn con gái cho đến bây giờ, không mấy khi yên. Má không hiểu vì sao người Việt lại giết nhau… cũng như ngày xưa, chính chồng bà là người đi kháng chiến, được gài về vùng quốc gia làm xã trưởng, nằm vùng làm cơ sở, tai mắt cho cách mạng. Nhưng rồi ông lại bị chính các đồng chí trong đó về xử lý trong một đêm mưa gió với bản án là “xử lý tên ác ôn hoạt động cho ngụy quyền”. Về sau, khi móc nối cho Tạo thoát ly, người ta có giải thích cho bà đó là do hiểu lầm, ban ám sát không thuộc đơn vị của chồng bà, nên không biết ông ta hoạt động cho cách mạng, chừng ở trên biết được thì chuyện đã rồi, nên tạo điều kiện cho anh em Tân, Tạo thoát ly để sửa sai. Người về móc nối cho các con bà thoát ly là người bạn lâu năm của chồng bà, thỉnh thoảng vẫn ghé thăm, có khi chỉ ghé nói vài ba chuyện rồi đi, có khi ở lại nhà đôi ba ngày… lúc nào cũng vậy, chồng bà luôn quí mến. Chỉ đến khi chồng chết, bà mới biết ông ta là người bên kia. Lần Tạo từ tỉnh về lấy thêm lương thực và tiền bạc, vật dụng, Tạo được đưa luôn vào bưng, bà mất tin con từ đó.

Rồi đến một ngày Tân cũng bị động viên, đóng lon chuẩn úy về tiểu khu Vĩnh Bình. Như vậy hai người con trai của bà đang cầm súng đứng về hai phía. Dù không có chút tin tức của Tạo, nhưng hàng đêm bà thắp nhang van vái Phật Trời cho hai anh em đừng gặp nhau trong một trận chiến, đừng bắn nhau, vì khi đụng trận có ai nhìn thấy rõ kẻ trước mặt mình là ai đâu.

Qua lời chị Thơ, Tạo biết em mình có thời gian trấn đóng ở Long Toàn và bị thương, rồi về Tiểu Khu Vĩnh Bình. Tạo không nói gì nhưng trong lòng cũng mong ước là anh em đã không gặp nhau trong trận đánh ác liệt năm đó, trận mà anh đã hy sinh hơn tiểu đoàn cho phi pháo và bản thân anh đã để lại nơi đó cánh tay trái và lòng kiêu hãnh của mình. Anh cũng cảm thấy như má, thật là bi thảm nếu anh em Tạo lại cùng tham chiến trong trận Long Toàn năm nào, mỗi người lại đứng về một phía.

Bây giờ Tân đang học tập cải tạo, trớ trêu thay lại đang lao động ở trại cải tạo Long Toàn. Người em dâu, vợ Tân là một cô giáo tiểu học, lương không đủ cho bản thân và hai đứa con còn dại, biết chồng học tập ở đó mà lâu lắm mới gom góp đủ tiền mua quà thăm nuôi chồng, mà lần nào cũng chỉ vài bánh thuốc rê, vài viên thuốc tây, một ít thức ăn khô… Tạo nhủ lòng phải tìm gặp em mình.


6


Bây giờ thì Tạo biết rõ ai là người mà ngày xưa ở Long Toàn đã gọi phi pháo dội thẳng lên đặc khu, sau khi quân trú phòng đã rút hết ra ngoài. Tạo cay đắng biết cánh tay mình đã để lại trong trận đánh tàn khốc đó, phần nào chính là do Tân, dù biết em mình chỉ làm theo phản xạ của một chiến binh, chính em mình đã dùng yểm trợ phi pháo, súng đạn của Mỹ để diệt gọn hơn một tiểu đoàn gồm cả chính qui, đặc công và du kích, và nhất là đã hủy hoại thành quả mà anh tưởng đã nắm được, kết quả đã đẩy Tạo phải tự kiểm thảo, hạ tầng công tác… Lòng kiêu hãnh của một con người trui rèn trong cách mạng từ lúc còn là một thiếu niên, trong lòng luôn rực lửa căm thù Mỹ Ngụy bị lung lay khi nhận biết trong thành phần địch cần tiêu diệt không khoan nhượng, lại có thằng em trai hiền lành của mình. Dù thấm nhuần tinh thần cách mạng, luôn nhìn chính phủ Sài Gòn như một con cờ của Đế Quốc Mỹ, sĩ quan và lính ngụy như những kẻ không còn tri thức lương tâm, luôn ăn gan, uống máu, bắt bớ hiếp đáp người dân vô tội, anh vẫn không tin Tân là hạng người đó.  Hình ảnh của Tân trong trí anh là một cậu bé hiền lành, có phần nhút nhát, luôn tránh những đám đông.  Ngày xưa lúc còn đi học, Tạo luôn là người chăm sóc, bảo vệ cho Tân, luôn giành lấy những công việc nặng nhọc… cho đến ngày theo cách mạng, rời xa gia đình hấp thụ những tư tưởng đấu tranh giai cấp, giải phóng quê hương.  Tạo theo cách mạng là mong có ngày nhìn thấy đất nước mình không còn bóng dáng kẻ ngoại xâm, mang lại tự do no ấm cho người dân…

Tạo ngồi yên, nhìn Tân bằng đôi mắt bi phẩn mà không nói được gì. Làm sao có thể trách Tân được, Tân chỉ làm bổn phận của người lính ngay tại mặt trận. Ví thử lúc đó, Tạo biết người chỉ huy của đặc khu Long Toàn là Tân thì anh phải làm sao? Anh có dồn hết tâm trí mình để lên phương án tấn công một cách toàn diện như lúc đó anh đã làm không. Cái bi thảm của cuộc chiến này là xương máu của người Việt đã đổ xuống vì bom đạn của hai khối cộng sản và tư bản lúc bấy giờ, ai cũng nhân danh cho chủ thuyết mình đang theo và tin rằng mình đã làm đúng. Cả miền Bắc và miền Nam có ai chế tạo, sản xuất được cây súng, viên đạn nào đâu? Có sản xuất được quả bom, khẩu pháo nào đâu? Tất cả chỉ được mang từ ngoài vào. Và tính chất bi thảm đó đã tăng lên bội phần khi anh em ruột đứng về hai phía, bắn vào nhau, một bên vì lý tưởng giải phóng, một bên vì tự vệ, như trường hợp của Tạo và Tân. Ngày xưa má của Tạo không có một ý niệm nào về cuộc chiến, nhưng bà đã lo sợ cái bi thảm ấy sẽ xảy đến cho các con của bà, sự cầu nguyện hàng đêm của bà cũng không ngăn được việc anh em bắn nhau xảy ra, dù cả Tân và Tạo không hề ý thức việc đó.

Tạo ngước mắt nhìn thẳng vào em đang ngồi trước mặt, cố hình dung lại hình ảnh của Tân hơn gần hai mươi năm trước để cảm nhận thấm thía rằng không ai có lỗi trong việc này, nhưng sao trong lòng vẫn có chút ân hận. Cuộc chiến tương tàn đã đưa anh em Tạo, và có thể còn nhiều trường hợp tương tự, vào một tình huống bi thương không dễ xóa nhòa.

Tạo lên tiếng, hỏi cho có hỏi:

- Anh quê ở đâu?

- Thưa cán bộ, huyện Cầu Ngang

Đó không phải là câu anh muốn hỏi, tất cả đều nằm trong bản lý lịch của Tân nằm trước mặt Tạo, anh chỉ muốn nghe giọng nói của Tân, giọng nói mà anh đã không được nghe từ mấy mươi năm nay.

Bỗng nhiên Tạo lại hỏi, câu hỏi bậc ra không ý thức:

- Hồi cuối năm bảy hai, anh ở đâu?

- Thưa cán bộ, lúc đó tôi là đại đội trưởng giữ đặc khu Long Toàn.

 Tạo nuốt nước miếng, như cố nuốt vật gì khó nuốt:

- Anh nói tiếp đi!

- Tôi bị thương trong trận cuối năm đó, về dưỡng thương ở Quân Y Viện Cần Thơ, sau đó tôi được điều về ban ba của tiểu khu cho đến ba mươi tháng tư…

Tạo lơ đãng ngồi nghe mà trong lòng có thừa sự chua chát. Tất cả đều nằm trong bản tự khai của Tân. Anh lại tiếp tục hỏi và Tân cứ tiếp tục trả lời, Tạo cũng không biết tại sao mình lại hỏi, để nghe những câu trả lời mình đã biết. Cuối cùng, Tạo nói sau khi xếp lại bản tự khai của Tân:

- Bây giờ anh cứ yên tâm học tập, chấp hành kỷ luật cho tốt, thành tâm hối cải tội lỗi chống lại nhân dân, chống lại cách mạng, chúng tôi sẽ sớm xét cho anh trở về với gia đình…

***

Tháng Tư năm một chín tám mốt Tân được ra trại, sau gần sáu năm lang thang hết trại này sang trại khác. Về đến nhà sau những mừng mừng tủi tủi, Tân mới được chị Thơ và vợ anh cho biết Tạo còn sống, trở về hỏi về anh đã đến tìm thăm anh ở trại cải tạo. Qua lời kể chuyện, Tân ngỡ ngàng khi biết viên sĩ quan cụt tay trái nói chuyện với anh hồi ở trại lao động Long Toàn ba năm trước chính là Tạo. Nhưng Tân không hề biết anh mình là người đã lên phương án tấn công cứ điểm, là người đã mang một quân số gấp ba lực lượng đồn trú để tấn công cũng không biết chính anh mình đã sử dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung, mong bẻ gảy sức kháng cự của lực lượng trong đặc khu để nhổ đi cái gai trên đường lấn vào trong của Mặt Trận, sửa soạn cho hiệp định Paris ký kết sau đó vài tháng.

Sau những thông tin đó, Tân cũng không có dịp gặp lại anh mình cho đến ngày gia đình Tân định cư ở Mỹ theo diện HO.


7


Sau gần hai mươi năm trên xứ người, năm hai ngàn mười anh thu xếp trở về sau khi nhận được thư của chị Thơ nói Tạo đang bệnh nặng. Dù không cùng lý tưởng, tình máu mủ đã thôi thúc anh về để gặp lại người anh không cùng chiến tuyến.

Ngồi cạnh giường bệnh, anh chăm chú nhìn thân hình khô héo trên giường mong tìm lại hình ảnh của người anh thủa nào, nhưng anh chỉ tìm thấy trên gương mặt hốc hác, một tia nhìn bao dung. Tạo cố nắm lấy tay Tân, nước mắt ứa ra từ đôi mắt khô héo. Nụ cười héo hắt trên môi. Thân thể Tạo gầy còm trong bộ quân phục bộ đội cũ kỷ. Chế độ chu cấp cho thương binh hưu trí của nhà nước chỉ có chừng.

Hai người yên lặng rất lâu, Tân không biết phải nói gì với anh. Cuối cùng Tạo hỏi, rồi tự trả lời:

- Chú biết anh mất cánh tay này lúc nào không? – Trong trận Long Toàn năm một chín bảy hai đó.

Tân thầm kêu Trời, nghẹn ngào ứa nước mắt nhìn anh.

Những ngày cầm súng chống lại những người cộng sản mù quáng nghe theo những lý thuyết man dại, mang súng đạn trút lên đầu dân lành, Tân nghĩ là mình đang làm người bảo vệ cho dân, bảo vệ cho tự do, dân chủ, cho nền cộng hòa còn non trẻ của miền Nam.  Thảm cảnh Mậu Thân, Đại Lộ Kinh Hoàng… càng làm cho anh tin tưởng rằng người cộng sản chỉ biết hận thù, chỉ có đảng, chỉ có đấu tranh giai cấp.  Anh cầm súng cũng trong ý niệm không muốn nhìn thấy vợ con mình, gia đình mình, ngày nào đó lại là những nạn nhân vô tội của những quả rocket 122 ly, phóng bừa bãi vào thị trấn, thành phố…

Bây giờ thì đã rõ, thương tích trên thân thể anh, trên anh Tạo, là do chính anh em mang tới cho nhau.  Còn bao nhiêu gia đình Việt Nam rơi vào thảm cảnh này trong cuộc chiến mà cả hai bên đều nhân danh cho lý tưởng mình đang theo.

Cuối cùng thì ai thắng, ai bại?


Hòa Đa

Houston – 2013


MÙA XUÂN KHÔNG TRỞ LẠI Nhân cứ nhìn trộm người đàn ông phía bên kia kệ hàng của siêu thị. Ông ta không biết có người nhìn mình, v...